Bảo vệ khớp gối: Cách phòng tránh những cuộc đại phẫu

Tan Chyn Hong, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, đã giải thích về cách giúp bạn tránh khỏi những ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần bằng nội soi khớp gối khi còn trẻ.

 

Khi đầu gối của bạn bị tổn thương nặng tới mức không thể chữa lành được, tình trạng này được gọi là viêm khớp, và lúc này bạn cần phải thực hiện phẫu thuật thay khớp gối toàn phần (TKR) với các bộ phận thay thế bằng kim loại và nhựa.

Nhưng bạn có biết rằng những bộ phận bằng kim loại và nhựa được sử dụng trong phẫu thuật chỉ có thời hạn sử dụng từ 15 – 20 năm hay không?

Tức là nếu bạn thực hiện phẫu thuật TKR khi bạn còn trẻ, rất có thể bạn sẽ phải trải qua cuộc phẫu thuật này một lần nữa. Việc này đòi hỏi phải mổ phanh theo cách truyền thống và người bệnh phải nằm viện ít nhất 4 ngày. Thời gian hồi phục sau quá trình mổ thường là từ 3 – 6 tháng, lâu hơn so với phương pháp phẫu thuật nội soi. Kiểu phẫu thuật này cũng có mức độ rủi ro và tỷ lệ biến chứng cao hơn.

Vì những mối lo trên, bệnh nhân bị mắc các bệnh về đầu gối sẽ tìm kiếm một phương án chữa trị thay thế khác. Câu trả lời ở đây chính là họ nên bảo vệ đầu gối của mình từ khi còn trẻ để tránh nguy cơ phải thay khớp gối về sau này.

Nếu bạn lo lắng về tình trạng của đầu gối, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình.

Nội soi khớp gối là gì?

 

Nội soi khớp gối (KPA) là một loạt các thủ thuật nội soi được thực hiện nhằm phát hiện và điều trị sớm các tổn thương cấu trúc trong khớp gối.

Bác sĩ Tan cho biết: “Nếu bạn còn trẻ, thích hoạt động và thường tạo sức ép lớn lên các khớp do các hoạt động trong sinh hoạt thường ngày hoặc sở thích, bạn nên coi chừng các vấn đề có thể phát sinh như chấn thương dây chằng, tổn thương sụn và rách sụn chêm.”

Nếu bạn gặp những vấn đề trên, bạn có thể chữa trị bằng phương pháp KPA, trong đó việc thực hiện một cuộc tiểu phẫu nội soi có thể giúp cải thiện tình hình và tránh phải phẫu thuật thay khớp gối về sau.

Bác sĩ Tan cho hay: “Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng bệnh viêm khớp là do tuổi già và họ không thể làm gì để bảo vệ đầu gối của mình.”

“Mục tiêu của việc bảo vệ đầu gối đó là phòng tránh những tổn thương khớp gối không thể phục hồi dẫn tới việc phải thay khớp gối toàn phần, đặc biệt là ở những bệnh nhân còn trẻ tuổi.”

Phương pháp KPA phù hợp với đối tượng nào?

 

“Nội soi khớp gối thường được thực hiện cho những bệnh nhân trẻ, dưới 50 tuổi, bị tổn thương cấu trúc ở khớp gối do những chấn thương tại vùng này, chẳng hạn như:”

Rách dây chằng: Chấn thương này khiến đầu gối trở nên mất ổn định, dẫn tới những tổn thương tại những cấu trúc khác của đầu gối. Thủ thuật KPA có thể tái tạo lại dây chằng và khôi phục lại sự ổn định để giúp các bộ phận khác của đầu gối được khỏe mạnh, bền lâu hơn.

Tổn thương sụn khớp gối: Chấn thương này có thể được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc nội soi, một kỹ thuật KPA khác, trong đó sụn được tái tạo bằng cách sử dụng các tế bào gốc.

Rách sụn chêm: Nếu bạn bị rách sụn chêm, bạn cần điều trị ngay để đầu gối không bị mất đi khả năng giảm xóc. Nếu sụn chêm của bạn bị chấn thương nghiêm trọng và buộc phải bỏ đi, khớp gối sẽ bị mòn, rạn nhanh chóng khiến bạn sớm mắc bệnh viêm khớp.

Bác sĩ Tan khuyên: “Chịu đựng một cuộc tiểu phẫu khi còn trẻ vẫn tốt hơn là phải trải qua một đại phẫu khi về già. Phương pháp này sẽ giúp khớp gối của bạn tránh khỏi tình trạng thoái hóa tới mức mà về sau bạn phải thay thế khớp gối mới.”

Để tìm hiểu thêm về phương pháp bảo vệ khớp gối, hãy nói chuyện và tham khảo ý kiến của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình.

Bài viết có sự đóng góp của Tiến sĩ Tan Chyn Hong, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *