Khi được điều trị ung thư vú, có thể bạn cần phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú (phẫu thuật cắt bỏ vú). Việc tái tạo vú có thể giúp tìm lại hình dáng thẩm mỹ ban đầu của vú.
Bác sĩ Felicia Tan, bác sĩ phẫu thuật tổng quát tại Bệnh viện Mount Elizabeth, cung cấp cho chúng ta những thông tin về phẫu thuật tái tạo vú.
Phẫu thuật tái tạo vú là gì?
Sau khi cắt bỏ ngực để điều trị ung thư vú, phẫu thuật tạo hình tái tạo có thể được thực hiện để khôi phục lại sự đối xứng của cả hai vú bằng cách tạo ra khuôn vú. Có thể thực hiện bằng cách đặt mô vú nhân tạo hoặc ghép mỡ tự thân (lấy từ các bộ phận khác của cơ thể ví dụ như bụng, lưng hoặc đùi). Thủ thuật bảo tồn hình dáng thẩm mỹ của tuyến vú này chính là phẫu thuật tái tạo vú.
Bất kỳ bệnh nhân nào loại bỏ một lượng đáng kể mô vú dẫn đến sự biến dạng ít hay nhiều trong hình dạng vú đều có thể phẫu thuật tái tạo vú để tìm lại hình dáng thẩm mỹ ban đầu của vú.
Có những kiểu phẫu thuật tái tạo vú nào?
Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật tái tạo vú khác nhau, phụ thuộc vào lượng mô vú bị loại bỏ, lượng mô vú còn lại, hình dạng và kích thước của vú còn lại, cũng như sở thích cá nhân của bạn.
Việc tái tạo vú có thể được thực hiện ngay sau khi phẫu thuật ung thư vú (trong cùng một lần phẫu thuật) hoặc trì hoãn thành phẫu thuật giai đoạn hai (vài năm sau đó).
VHiện nay có 2 kỹ thuật chính để tái tạo vú:
- Đặt túi ngực: Đặt túi ngực làm từ nước muối, silicone gel, hoặc kết hợp cả hai.
- Ghép mỡ tự thân / Sử dụng vạt cơ: Sử dụng mô được cấy ghép từ phần khác của cơ thể (như bụng, đùi hoặc lưng) để tạo ra vú mới.
Đôi khi, cả hai kỹ thuật này được sử dụng kết hợp.
Người bệnh cũng có thể xem xét có nên tái tạo núm vú. (Trong một số trường hợp, có thể phẫu thuật cắt bỏ vú bảo toàn núm vú. Trong trường hợp này, núm vú và làn da xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng.)
Quyết định về lựa chọn tốt nhất cho người bệnh sẽ được bác sĩ phẫu thuật vú và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ làm rõ khi thảo luận chi tiết, để người bệnh đưa ra quyết định chuẩn xác nhất.
Phẫu thuật thẩm mỹ ung thư vú là gì?
Phẫu thuật thẩm mỹ ung thư vú là một hình thức phẫu thuật vú để tái tạo lại vú sau khi đã cắt bỏ một phần vú. Kĩ thuật này cho phép loại bỏ được phần ung thư và chỉnh lại hình dáng vú trong trong cùng một lần phẫu thuật, áp dụng các kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ. Trong một số trường hợp, phẫu thuật này cũng giúp chỉnh sửa vú còn lại khác để đạt được sự đối xứng.
Có nên tái tạo ngực ngay sau phẫu thuật ung thư vú hay nên trì hoãn một thời gian?
Lý tưởng nhất, phẫu thuật tái tạo vú nên được tiến hành ngay sau khi phẫu thuật ung thư để có kết quả thẩm mỹ tối ưu. Bác sĩ phẫu thuật có thể bảo toàn được phần lớn vùng da của vú, và trong một số trường hợp thậm chí là núm vú. Như vậy, người bệnh cũng sẽ tránh phải phẫu thuật thêm một lần nữa, giúp rút ngắn thời gian phục hồi.
Tuy nhiên, tái tạo tức thì sẽ không được thực hiện nếu sau phẫu thuật ung thư người bệnh vẫn cần điều trị hóa trị liệu hoặc xạ trị. Những người bệnh có khối ung thư lớn hơn 5cm và lan ra các hạch bạch huyết sẽ cần xạ trị sau phẫu thuật. Các phương pháp điều trị như xạ trị được thực hiện sau phẫu thuật có thể làm cho phần vú tái tạo xẹp đi và thay đổi màu sắc, kết cấu cũng như hình dáng. Xạ trị có thể tạo ra những thay đổi không mong muốn tới vú tái tạo. Trong những trường hợp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ khuyên người bệnh đợi cho đến khi kết thúc các điều trị này rồi mới bắt đầu thực hiện phẫu thuật tái tạo vú.
Sẽ mất bao lâu để phục hồi sau phẫu thuật?
Phẫu thuật tái tạo vú là phẫu thuật lớn. Người bệnh sẽ cảm thấy đau và mệt mỏi trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Hầu hết các bệnh nhân đều phải nằm viện trong khoảng 1-2 tuần. Tránh hoạt động mạnh và các hoạt động thể thao trong vòng 6 – 8 tuần sau khi giải phẫu. Hầu hết người bệnh có thể quay lại sinh hoạt bình thường sau 2 đến 3 tháng.
Cần lưu ý là vú tái tạo sẽ không hoàn toàn giống như vú thật.
“Trong giai đoạn đầu hồi phục, người bệnh sẽ thường cảm thấy lo lắng hoặc chán nản. Cơ thể cần thời gian để phục hồi, tự điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi mới. Chia sẻ những lo lâu với bác sĩ phẫu thuật hoặc nhân viên tư vấn y tế tại bệnh viện sẽ có thể giúp người bệnh bình tâm hơn.”
Sẽ mất khoảng 8 tuần để vết thâm tím và sưng phù bớt dần. Cố gắng kiên nhẫn đến khi thấy kết quả cuối cùng. Người bệnh lúc đầu sẽ thấy tê bì bên vú tái tạo nhưng sau vài năm sẽ thấy vú có cảm giác thật hơn. Có thể mất từ từ 1 đến 2 năm để các mô lành lại và vết sẹo mờ dần, nhưng những vết sẹo sẽ không biến mất hoàn toàn.
Phẫu thuật này có rủi ro gì không?
Phẫu thuật tái tạo vú nhìn chung là an toàn và được thực hiện thường xuyên ở nhiều viện. Tuy nhiên, như bất kỳ các ca phẫu thuật khác, vẫn sẽ có các rủi ro cần phải biết.
Những rủi ro có thể gặp phải:
- Nhiễm trùng do có một vật thể lạ được đặt trong cơ thể (túi ngực): Điều trị bằng truyền kháng sinh và trong trường hợp nhiễm trùng nặng, có thể phải tháo bỏ túi ngực.
- Túi ngực có thể làm cứng của các mô xung quanh (gọi là bao xơ), khiến vú tái tạo bị xơ cứng và nổi cục.
- Túi ngực có nguy cơ bị vỡ.
- Suy vạt cơ do máu không đủ cho phần mô. Đòi hỏi phải phẫu thuật lại để loại bỏ vạt cơ hiện tại và thay thế nó bằng vạt cơ mới hoặc đặt túi ngực.
- Cảm giác cứng và căng quanh ngực và vai. Có thể giảm bớt khi hoạt động và vật lý trị liệu.
Tái tạo vú có ảnh hưởng đến hóa trị liệu/xạ trị không?
Việc tái tạo vú sẽ không ảnh hưởng tới hóa trị hay xạ trị trừ phi có những biến chứng từ phẫu thuật dẫn tới một sự chậm trễ trong việc bắt đầu điều trị.
VTuy nhiên, xạ trị sau phẫu thuật tái tạo vú có thể làm biến đổi hình dạng của vú tái tạo.
Vú được tái tạo có thay đổi theo thời gian không? Quá trình lão hóa hay thay đổi về cân nặng có ảnh hưởng đến vú được tái tạo không?
Nếu vú được tái tạo với kĩ thuật đặt túi ngực, có thể sẽ có nguy cơ rỉ dịch hay vỡ theo thời gian. Thường sau 10 – 15 năm, người bệnh sẽ cần thay túi ngực một lần. Hình dạng túi ngực không thay đổi theo thời gian nên có thể sẽ khác với bên vú thật bị sa trễ. Hình dáng vú cũng không thay đổi khi cân nặng thay đổi.
Nếu phẫu thuật với kĩ thuật ghép mỡ tự thân, vú tái tạo sẽ thay đổi nếu cân nặng thay đổi. Vú tái tạo theo hướng này cũng sẽ thay đổi cùng quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Bài viết được đóng góp bởi bác sĩ Felicia Tan, chuyên gia phẫu thuật tổng quát tại bệnh viện Mount Elizabeth