Nếu hai mươi năm trước ung thư xương ở tay hay chân có nghĩa là bạn sẽ phải chịu sự thiếu hụt bộ phận đó suốt đời thì trong những năm gần đây, nhờ những tiến bộ về y học, đã có những phương pháp phẫu thuật giúp bệnh nhân giữ lại được phần cơ thể bị ảnh hưởng bởi tế bào ung thư đồng thời bảo toàn các dây thần kinh và các mạch máu chính.
Khi Max (tên nhân vật đã được thay đổi) bị chẩn đoán mắc ung thư xương (ung thư mô liên kết tạo cốt bào) ở đùi, anh đã vô cùng buồn bã vì nghĩ rằng anh sẽ mất một chân. Là trụ cột gia đình, anh không thể mất khả năng đi lại. Sau khi được bác sĩ Leon Foo – Chuyên khoa chỉnh hình tại Bệnh viện Mount Elizabeth Singapore tư vấn, anh đã phấn chấn hơn khi biết mình không nhất thiết cần phẫu thuật cắt bỏ chân.
Ung thư xương xảy ra khi các tế bảo phân chia không kiểm soát và bất bình thường, tạo nên một khối u trong xương.
Ung thư mô liên kết tạo cốt bào là loại ung thư xương phổ biển thứ hai, thường ảnh hưởng đến thanh thiếu niên đang trưởng thành từ 10 đến 20 tuổi, và người lớn từ 50 đến 60 tuổi. Về cơ bản, ung thư mô liên kết tạo cốt bào là ác tính, lan nhanh và có thể gây tử vong nếu không được điều trị sớm. Bệnh thường phát triển trong xương đùi gần đầu gối, xương chày hay xương cánh tay gần vai, thường là sẽ ảnh hưởng đến vùng có khớp xương.
Những dấu hiệu cảnh báo thường bao gồm sưng, đỏ, đau trong vùng xương bị ảnh hưởng và càng hoạt động nhiều càng đau, gãy xương, hạn chế cử động, và đi cà nhắc nếu khối u phát triển trong xương chân. Mức độ đau tùy thuộc vào từng trường hợp.
Hầu hết các bệnh ung thư xương thường được xếp vào mức độ nguy hiểm cao, chúng sẽ phát triển và lan rộng nhanh chóng nếu không được điều trị. Cách đây 20 năm, khả năng dự đoán sự phát triển của bệnh cho bệnh nhận bị ung thư mô liên kết tạo cốt bào rất kém, chỉ có tỉ lệ sống sót từ 10 đến 30%. Hầu hết các trường hợp sẽ buộc người bệnh phải phẫu thuật bỏ chi. Ngày nay, nhờ những tiến bộ y học, người bệnh có thể bảo toàn chi.
Max đã trải qua ca phẫu thuật dài 12 tiếng. Bác sĩ Foo giúp anh bỏ phần xương đùi bị ung thư. Để tái cấu tạo xương mà vẫn bảo toàn được cấu trúc thần kinh cơ của phần chân dưới, Bác sĩ đã kết hợp hai quy trình phẫu thuật: cấy ghép mô thực hiện trên hai cá thể cùng loài (allograft) và lắp đặt bộ phận nhân tạo (prosthesis).
Kỹ thuật này có tên gốc là Allo-prosthetic Composite Reconstruction.
Mô ghép allograft là xương lấy từ những người hiến tặng nội tạng. Những mẫu này được rửa sạch, kiểm nghiệm các loại bệnh, xác nhận là an toàn để có thể cấy ghép.
Bộ phận thay ghép nhân tạo (prosthesis) thường được làm từ hợp kim titan, dùng trong phẫu thuật thay thế toàn bộ chân, xương chậu và vai. Bộ phận thay ghép tiên tiến cho phép bệnh nhân tùy chỉnh theo nhu cầu riêng để thực hiện phẫu thuật tái tạo. Bộ phận này có khả năng nâng đỡ trọng lượng và cho sự ổn định ngay tức thì, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian hồi phục. Công nghệ đã phát triển tới mức bộ phận cấy ghép nhân tạo còn đi kèm với một động cơ nội bộ để mở rộng chi bằng cách sử dụng chức năng kiểm soát tần suất sóng vô tuyến (Radiofrequency control). Chức năng này hữu ích cho các bệnh nhân tuổi vị thành niên vì xương ở độ tuổi này vẫn đang phát triển.
Phẫu thuật của Max thành công mỹ mãn, bảo toàn được toàn bộ các dây thần kinh và mạch máu chính. Sau điều trị hóa trị để loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, anh đã hoàn toàn chiến thắng bệnh ung thư mà không phải cắt bỏ chân.
Thể trạng khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau nên mỗi bệnh nhân cần được khám và xét nghiệm riêng trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật.
Tùy vào từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ khuyến nghị phương pháp cấy ghép mô thực hiện trên hai cá thể cùng loài (allograft) hoặc cấy ghép xương giả (prosthesis) hay trong một số trường hợp, phẫu thuật xoay ngược chi (rotationplasty): một phần xương sẽ bị cắt bỏ trong khi phần chi dưới được chỉnh hình bằng cách xoay 180 độ. Liệu trình điều trị cho các bệnh nhân ung thư xương thường bao gồm phẫu thuật, sau đó là hóa trị liệu và có thể có cả xạ trị.