Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và những nguy cơ tiềm ẩn

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và những nguy cơ tiềm ẩn

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và những nguy cơ tiềm ẩn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã gây tử vong cho 3.2 triệu người trên thế giới vào năm 2015, chiếm 5% tổng số ca tử vong trong năm đó và dự đoán tới năm 2030 căn bệnh này sẽ đứng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong.

Dù vậy, gần 80% những người mắc bệnh lại không biết mình mắc bệnh, Giáo sư Philip Eng, Chuyên khoa hô hấp tại Bệnh viện Mount Elizabeth Singapore, chia sẻ. Điều này là do các triệu chứng ban đầu của bệnh chẳng hạn như khó thở, ho thường xuyên, căng ngực và cơ thể tiết ra các chất nhầy thường bị hiểu nhầm là những triệu chứng bình thường của quá trình lão hóa nên bị bỏ qua.

COPD có thể gây hậu quả nghiêm trọng và đe dọa đến mạng sống

“COPD là bệnh gây suy giảm từ từ các chức năng thông khí phổi”. Khi bệnh tiến triển, các hoạt động bình thường hàng ngày như tập thể dục, đi bộ lên cầu thang hoặc đơn giản là ra khỏi nhà ngày càng trở nên khó khăn.

Nếu không điều trị, COPD có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Chẳng hạn, 44% bệnh nhân COPD nhập viện bị trầm cảm do chất lượng cuộc sống giảm sút, theo một nghiên cứu năm 2007 của Giáo sư Eng. Hơn thế nữa, nhiều người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị loãng xương – một tình trạng làm xương yếu và có khuynh hướng bị gãy – do không có khả năng tập thể dục hay thậm chí là đi bộ.

Nguyên nhân gốc rễ của COPD là do hút thuốc, 80% đến 90% các trường hợp là do hút thuốc trực tiếp. “Bạn càng hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh càng lớn”, Bác sĩ Eng nói. Một nguyên nhân chính nữa gây ra COPD là ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp.

Ô nhiễm không khí bao gồm việc tiếp xúc với các phần tử hoặc hóa chất độc hại ở cả ngoài trời và trong nhà. Ở vùng nông thôn tại Đông Nam Á, mọi người thường nấu ăn bằng cách đốt gỗ trong nhà – thường là nhà có hệ thống thông gió kém, sản sinh ra hơi độc hại dẫn đến sự phát triển của bệnh COPD.

Trong một số ít trường hợp, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh.

Giáo sư Eng cho biết sự bất thường trong gen di truyền dẫn đến thiếu một protein cụ thể được gọi là alpha-1 antitrypsin (AAT) có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh COPD. Bệnh nhân bị thiếu AAT có thể bị COPD ở tuổi 40, trong khi hầu hết bệnh nhân có mức AAT bình thường chỉ xuất hiện triệu chứng COPD ở tuổi 60.

Giáo sư Eng nói: Tránh bất kỳ hình thức hút thuốc nào – từ thuốc lá truyền thống đến thuốc lá điện tử – là bước hiệu quả nhất để phòng ngừa COPD. “Ngoài việc không hút thuốc, nên đeo mặt nạ ngoài trời và sử dụng máy lọc không khí trong nhà nếu bạn ở trong môi trường có độ ô nhiễm không khí cao.”

 

Các phương pháp điều trị để kiểm soát bệnh COPD

Xác định COPD sớm là bước đầu tiên để điều trị bệnh một cách hiệu quả.
“Các cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao, chẳng hạn như người thường xuyên hút thuốc, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu cơ thể liên tục xuất hiện các triệu chứng liên quan đến COPD như ho, đờm hoặc khó thở”.

Mặc dù COPD là không chữa được, điều trị sớm có thể làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong. Thông thường, các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng máy hô hấp và một số thuốc uống giúp mở ống thở, làm giảm viêm và cải thiện khả năng vận động.

Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị trên, Giáo sĩ Eng khuyên các bệnh nhân bị bệnh nặng phải phục hồi chức năng phổi – một chương trình tập thể dục giúp bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày.

Khi phổi bị tổn thương nghiêm trọng, liệu pháp oxy dài hạn là vô cùng cần thiết để đảm bảo bệnh nhân có thể sống. Phương pháp điều trị này không thể làm giảm bớt được những tổn thương đã có nhưng có thể giúp kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân theo số năm. Một biện pháp cuối cùng khác là cấy ghép phổi, mặc dù đây là lựa chọn cho một số ít bệnh nhân bởi không có đủ lượng nội tạng sẵn có để cấy ghép. Ví dụ, tại Singapore chỉ 1/5 bệnh nhân sống sót được cho đến khi có phổi để cấy ghép.

Ngoài ra, bệnh nhân COPD được khuyến cáo là nên tiêm chủng ngừa cúm và viêm phổi, Giáo sư Eng chia sẻ thêm. “Hầu hết những bệnh nhân này đều có phổi yếu và có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp từ những bệnh cúm đơn giản, vì vậy việc tiêm chủng giúp ngăn ngừa những vấn đề này.”

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *