Bạn có biết rằng bạn có thể bị đau tim mà không hề nhận ra? Và tim của bạn có thể hồi phục sau khi điều trị?
Với phương pháp điều trị đúng, cơn đau tim sẽ không đe dọa đến tính mạng.
Khi bạn thấy dấu hiệu đầu tiên của cơn đau tim, hãy gọi xe cứu thương ngay lập tức.
Vậy thế nào là một cơn đau tim?
Khi nguồn máu cung cấp tới tim bị cắt, cơ tim sẽ bắt đầu chết. Đây được gọi là cơn đau tim, và đây là trường hợp khẩn cấp cần được điều trị ngay.
Nếu bạn bị bệnh động mạch vành, những động mạch cung cấp máu giàu oxy cho tim trở nên hẹp lại. Sự tích tụ cholesterol hoặc chất béo, canxi và protein hình thành mảng bám trong động mạch. Các mảng bám sau đó có thể vỡ ra, tạo ra các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch và khiến trái tim thiếu hụt lượng oxy cần thiết để tồn tại. Trường hợp hiếm hơn nữa là, động mạch có thể co thắt hoặc thu hẹp và hạn chế lưu lượng máu.
Dấu hiệu nhận biết cơn đau tim là gì?
Trái với những gì bạn thấy trong phim, không phải tất cả các cơn đau tim đều đột ngột và dữ dội. Các triệu chứng có thể có vẻ không đáng kể, hoặc tích tụ dần theo thời gian. Triệu chứng cũng có thể khác nhau ở nam và nữ.
Các triệu chứng thường thấy ở cả hai giới bao gồm:
- Đau, cảm thấy áp lực hoặc nặng ở ngực, cánh tay hoặc vùng dạ dày trên
- Đau lan ra trên cánh tay, lưng, hàm hoặc cổ họng
- Cảm giác nghẹt thở
- Ra mồ hôi
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Khó thở
- Nhịp tim đập nhanh hoặc bất thường
Triệu chứng phổ biến hơn ở phụ nữ bao gồm:
- Cảm giác khó tiêu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Đau giữa xương bả vai
- Cảm giác một điều xấu sắp xảy ra
Trong một số trường hợp, cơn đau tim không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Trên thực tế, khoảng 15% bệnh nhân không biết họ đang trải qua một cơn đau tim. Điều này phổ biến hơn ở người già và người bị tiểu đường. Thay vì gây ra các triệu chứng thông thường, cơn đau tim với họ giống như một đợt cúm kéo dài, cảm thấy căng thẳng ở ngực hoặc mệt mỏi.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về các triệu chứng đang gặp phải, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Tôi có nguy cơ bị đau tim không?
Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim. Trong số đó có các yếu tố tuổi tác, giới tính, lịch sử gia đình và chủng tộc – hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bị đau tim bằng cách:
- Bỏ thuốc lá
- Tập thể thao đều đặn
- Ăn uống lành mạnh, cân bằng để hạ cholesterol, với nhiều trái cây, rau và cá
- Giảm căng thẳng
Bác sĩ có thể đánh giá mức cholesterol bằng cách thực hiện một xét nghiệm đơn giản.
Lưu ý rằng nguy cơ bị đau tim có thể cao hơn nếu bạn:
- Trên 65 tuổi
- Nam
- Có tiền sử gia đình về bệnh tim, cao huyết áp, béo phì hoặc tiểu đường
- Có gốc châu Phi
Nếu điều trị đúng đắn, cơ tim bạn sẽ tự lành sau cơn đau tim. Nhưng có thể có mô sẹo xung quanh tim ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Hệ thống điện tim của cũng có thể bị hư hỏng. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến nhịp tim bất thường, hoặc thậm chí là suy tim. Việc điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại này.
Khi thấy dấu hiệu đầu tiên của cơn đau tim, hãy gọi xe cứu thương ngay lập tức.