Đầy hơi và táo bón có thể là những dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích, một căn bệnh đường ruột thường gặp ở phụ nữ.
Đường ruột khỏe mạnh đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe toàn diện ở phụ nữ. Nói đến sức khỏe của phụ nữ, người ta vẫn thường nói về phụ khoa và sản khoa, thế nhưng trong đó vẫn còn những phương diện quan trọng khác và tiêu hóa chính là một trong những phương diện quan trọng ấy. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khoa tiêu hóa nếu bạn cảm thấy lo lắng về sức khỏe đường tiêu hóa của mình.
Có một số căn bệnh rối loạn ở khu vực tiêu hóa mà phụ nữ thường hay mắc phải, từ các bệnh tự miễn dịch ở vùng gan cho tới các bệnh rối loạn chức năng và thần kinh ở đường ruột, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS) và rối loạn đường ruột.
Thói quen đại tiện ở nhiều phụ nữ có sự thay đổi và xuất hiện các triệu chứng ở quanh vùng bụng trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Thông thường, họ sẽ bị đầy hơi và táo bón trước kỳ kinh nguyệt và khi tới tháng thì có hiện tượng đi ngoài phân lỏng. Tuy nhiên, ở phụ nữ mắc hội chứng IBS, sự thay đổi trong thói quen đại tiện và những triệu chứng trên nghiêm trọng hơn rất nhiều. IBS khiến cho bệnh nhân cảm thấy đau bụng hoặc khó chịu và những cơn đau này thường liên quan tới sự thay đổi trong tần suất đi ngoài, hình dạng hoặc tính chất của phân. Khác với bệnh viêm dạ dày ruột, một căn bệnh có thể dịu đi nhanh chóng, thì IBS lại là một căn bệnh mãn tính kéo dài tới hàng năm, thậm chí là lâu hơn.
Có rất nhiều yếu tố gây ra hội chứng IBS, bao gồm:
- Căng thẳng
- Di truyền
- Bệnh nhiễm trùng đường ruột mới xảy ra trước đó
- Hệ vi khuẩn đường ruột bị mất cân bằng
- Hệ thần kinh ruột bị nhạy cảm quá mức
- Chế độ ăn uống, đặc biệt liên quan tới nhóm thực phẩm FODMAPS (Các loại saccharide và polyol có thể lên men)
Không có yếu tố nào có đủ khả năng gây ra IBS mà một vài hoặc tất cả yếu tố đó sẽ kết hợp lại để gây ra các triệu chứng của IBS. Hiện cũng chưa có phương pháp nào để xét nghiệm hội chứng IBS và bác sĩ chỉ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng. Đôi khi, ta cần phải thực hiện nội soi, quét hoặc xét nghiệm máu để loại trừ những căn bệnh khác. Có lúc ta cũng cần tới các xét nghiệm cụ thể để xác định một nguyên nhân cụ thể, ví dụ như thực hiện xét nghiệm hơi thở để xem có vi khuẩn sinh sôi tích tụ trong đường ruột hay không, hoặc kiểm tra xem bệnh nhân không ăn được loại thực phẩm nào. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và thường đi kèm với việc dùng thuốc và áp dụng các phương pháp tiếp cận để giải quyết, khắc phục các yếu tố cơ bản nhất, từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt để kiểm soát căng thẳng và điều chỉnh chế độ ăn, cho tới việc sử dụng thuốc để chữa trị các triệu chứng và giảm thiểu độ nhạy cảm của các đầu dây thần kinh. Các lợi khuẩn probiotic cũng rất hữu dụng trong việc khôi phục sự cân bằng trong hệ vi khuẩn đường ruột và đã được chứng minh có tác dụng cải thiện các triệu chứng đau bụng đầy hơi ở người mắc hội chứng IBS.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng tốc độ vận chuyển trong đại tràng ở nữ giới chậm hơn so với nam giới, dẫn đến nguy cơ bệnh mắc táo bón cao hơn.
Nhiều phụ nữ cho rằng táo bón là tình trạng giảm tần suất đại tiện, nhưng căn bệnh này còn có cả dấu hiệu đi phân cứng và phải gồng mình mỗi khi đi đại tiện. Trong hầu hết các trường hợp, chứng táo bón có thể được giải quyết bằng việc thay đổi chế độ ăn và uống thêm nhiều nước, thế nhưng cũng có những trường hợp cần phải có sự can thiệp sâu hơn. Các biện pháp can thiệp có thể bao gồm nội soi hoặc chụp chiếu để loại trừ các thương tổn trong cấu trúc hoặc xét nghiệm để xác định tốc độ vận chuyển trong đại tràng. Vì vậy, có thể điều trị chứng này bằng cách sử dụng thuốc xổ hoặc một số loại thuốc mới để đẩy nhanh tốc độ vận chuyển thức ăn đã tiêu hóa bên trong đại tràng.
Các chứng rối loạn đại tiện cũng cực kỳ phổ biến ở nữ giới, chẳng hạn như khó đi ngoài hoặc đại tiện không tự chủ.
Để thải phân cần có sự phối hợp giữa các cơ ở vùng bụng và sàn chậu, vì vậy phân có thể được đẩy ra khỏi đại tràng một cách dễ dàng, gần giống như khi ta bóp kem đánh răng ra khỏi tuýp.
Chứng khó đi ngoài xảy ra khi sự phối hợp bị gián đoạn do các cơ sàn chậu bị yếu đi hoặc do bị cản trở.
Mặt khác, chứng đại tiện không tự chủ là tình trạng không thể kiểm soát được đường ruột và phân có thể bị rỉ ra ngoài. Đây là hiện tượng thường xảy ra ở phụ nữ sinh khó với cơ vòng bị tổn thương (vòng cơ có thể co thắt lại để đóng lại viền mép lỗ của một cơ quan trong cơ thể) trong quá trình sinh nở. Những biện pháp kiểm tra như kiểm tra áp lực đặc biệt, hay còn gọi là đo áp lực trực tràng, và chụp quét sẽ giúp xác định chứng bệnh này. Tốt nhất, chứng bệnh này nên được chẩn đoán và điều trị phối hợp giữa bác sĩ khoa tiêu hóa và bác sĩ phụ khoa.
Cuối cùng, có một sự thật rằng, nữ giới cũng có thể mắc các bệnh ung thư trong khu vực đường tiêu hóa giống như nam giới. Các bộ phận có thể xuất hiện khối u bao gồm dạ dày, gan, tụy, túi mật, ống mật và đại tràng.
Trong số đó, nổi bật nhất vẫn là bệnh ung thư đại trực tràng, căn bệnh phổ biến thứ hai ở nữ giới chỉ sau ung thư vú. Giống như ung thư vú và ung thư cổ tử cung, ta có thể phòng tránh ung thư đại tràng thông qua việc phát hiện bệnh từ sớm khi đi khám. Quy trình khám bệnh bao gồm việc xét nghiệm để tìm máu ẩn trong phân hoặc nội soi đại tràng bằng cách sử dụng ống soi có gắn camera. Xét nghiệm máu ẩn trong phân không đau và rất đơn giản nhưng khó có thể giúp chẩn đoán được bệnh nên cần làm xét nghiệm thường niên. Nội soi trực tràng tuy là thủ thuật xâm lấn nhưng có thể giúp ta phát hiện ra những khối u nhỏ và các polyp mà xét nghiệm máu ẩn trong phân khó có thể tìm ra được. Polyp, tiền thân của ung thư đại tràng, có thể bị cắt bỏ trong quá trình nội soi mà không cần phải phẫu thuật. Việc khám bệnh bằng phương pháp nội soi chỉ cần thực hiện 10 năm 1 lần, nhưng nếu gia đình có tiền sử ung thư đại trực tràng hoặc bản thân người phụ nữ có tiền sử bị polyp thì người đó sẽ gặp nguy cơ cao hơn và cần làm nội soi đại tràng sau mỗi 5 năm.
Tóm lại, nữ giới có nguy cơ mắc một số bệnh rối loạn đường ruột cao hơn nam giới, nhưng nếu được chẩn đoán chính xác kịp thời và có phương pháp điều trị thích hợp, họ có thể tránh những tổn thương không đáng có và giúp họ tận hưởng cuộc sống hơn.
Nếu bạn lo lắng về tình trạng đường tiêu hóa của mình, hãy nói chuyện và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết có sự đóng góp của Bác sỹ Reuben Wong, bác sĩ khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Gleneagles